Cứu sống nữ sinh 18 tuổi đột tử khi đang tập văn nghệ ở trường

Đang tập văn nghệ, nữ sinh 18 tuổi bất ngờ gục xuống, ngưng tim, ngưng thở. Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định, bệnh nhân bị đột tử vì rối loạn tim mạch do .

Ngày 5/3, Báo Tiền Phong dẫn lời TS.BS Trương Quang Khanh, Trưởng khoa Nhịp tim, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và kịp thời cứu chữa cho một trường hợp bị đột tử ngoại viện.

Bệnh nhân là nữ sinh 18 tuổi (ngụ tại TPHCM) đang học lớp 12. Thời điểm được chuyển đến bệnh viện, bác sĩ xác định bệnh nhân trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở.

Trước khi nhập viện, bệnh nhân đang tham gia một buổi tập văn nghệ tại trường. Trong lúc đang tập văn nghệ, nữ sinh bị chóng mặt, hoa mắt, gục xuống sàn, toàn thân co gồng.

BS Quang Khanh cho biết, may mắn cho bệnh nhân tại hiện trường có nhiều học sinh biết sơ cấp cứu nên bệnh nhân được hô hấp nhân tạo, ấn tim ngoài lồng ngực. Mặt khác, trường học cũng gần Bệnh viện Thống Nhất nên nữ sinh được đưa đến cấp cứu trong thời gian rất sớm.

Sau khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ đã nỗ lực hồi sinh tim phổi giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch, các chỉ số sinh hiệu dần ổn định. Sau 2 ngày được theo dõi, điều trị tại khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, sức khỏe bệnh nhân đã bình phục tốt.

Cứu sống nữ sinh 18 tuổi đột tử khi đang tập văn nghệ ở trường
Sau khi cấp cứu, hồi sức tích cực bệnh nhân đã qua được nguy kịch, sức khỏe hiện đã bình phục tốt. Ảnh VOV.vn

Cùng ngày, trao đổi với VnExpress, bác sĩ Trương Quốc Cường, Phó Khoa Nhịp tim, Bệnh viện Thống Nhất cho biết, hội chứng QT dài thường gây rối loạn nhịp nguy hiểm như nhanh thất, xoắn đỉnh, dễ dẫn đến đột tử. Hội chứng này có thể là bẩm sinh (liên quan đến gene) hoặc mắc phải (có thể do rối loạn điện giải hoặc dùng một số thuốc như thuốc điều trị rối loạn nhịp, thuốc kháng sinh, kháng histamin, thuốc hướng thần…).

Hội chứng này biểu hiện triệu chứng đa dạng, từ không triệu chứng đến đột tử. Triệu chứng thường gặp là hồi hộp, đánh trống ngực, hoa mắt, ngất. Đôi khi bệnh nhân co giật, bị chẩn đoán nhầm là động kinh.

Ở nữ sinh này, xét nghiệm gene bình thường, tầm soát điện tim các thành viên khác trong gia đình cũng không ghi nhận hội chứng tương tự. Do đó, bác sĩ thiên về nguyên nhân từ rối loạn điện giải hoặc dùng thuốc.

Bệnh nhân cho biết thể trạng gầy ốm nên gần đây sử dụng thực phẩm chức năng để tăng cân. Bác sĩ tư vấn bệnh nhân ngưng dùng loại thực phẩm chức năng này, tái khám ghi nhận QT của bệnh nhân ngắn dần rồi trở về bình thường.

TS.BS Trương Quang Khanh, Trưởng Khoa Nhịp tim, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết hơn một tháng qua, liên tiếp 4 bệnh nhân mắc hội chứng QT dài nhập viện cấp cứu, trong khi trước đây thỉnh thoảng mới tiếp nhận. Nguyên nhân chủ yếu do sử dụng thuốc. Trong đó, hai bệnh nhân dùng thuốc điều trị rối loạn nhịp, một trường hợp dùng thuốc methadone để cai nghiện, và thiếu nữ trên.

Bác sĩ cho rằng mọi người nên trang bị kỹ năng hồi sinh tim phổi cơ bản. Những nơi đông người như trường học, trung tâm thương mại, sân bay… nên trang bị thiết bị phá rung để kịp thời xử trí các trường hợp đột tử.

Bệnh nhân sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Người dùng những loại thuốc có khả năng gây QT dài cần được đo điện tim định kỳ. Các trường hợp mắc hội chứng này hoặc nghi mắc nên đến các trung tâm có chuyên khoa loạn nhịp tim để khám, điều trị phù hợp.

PN (SHTT)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *