Hỏi: Cha ông để lại cho gia đình tôi 1.000m2 đất thổ cư mặt tiền đường hiện hữu. Nay tôi muốn tách làm 10 lô với diện tích môi lô 100m2. Xin hỏi, tôi có thể nhờ công ty môi giới rao bán đất được không? Liệu có phải xin phép chính quyền địa phương? Thủ tục cụ thể ra sao?
Chân thành cảm ơn!
(tamnguyen89@…)
Điều 75, Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về thủ tục, trình tự thực hiện tách thửa đất. |
Luật sư tư vấn:
1. Điều kiện tách thửa
Bạn cần phải thực hiện thủ tục tách thửa đất nếu muốn tách 1.000m2 đất thổ cư thành 10 lô, mỗi lô 100m2. Hiện tại, điều kiện tách thửa phụ thuộc vào quỹ đất địa phương cũng như quy hoạch của tỉnh/thành nơi có đất. Mặt khác, việc tách thửa đất cũng phải đáp ứng diện tích tối thiểu để tách thửa. Khoản 2, Điều 143, Luật Đất đai năm 2013 quy định như sau:
“Căn cứ vào quỹ đất của địa phương và quy hoạch phát triển nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở phù hợp với điều kiện và tập quán tại địa phương.”
Mặt khác, theo quy định tại Khoản 4, Điều 144, Luật Đất đai năm 2013: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị và quỹ đất của địa phương quy định hạn mức đất ở giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở đối với trường hợp chưa đủ điều kiện để giao đất theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở.”
Theo đó, để tách thửa đất thổ cư 1.000m2, bạn cần kiểm tra thông tin quy hoạch, diện tích tối thiểu tách thửa được quy định bởi UBND tỉnh nơi có đất.
2. Thủ tục tách thửa
Điều 75, Nghị định 43/2014/NĐ-CP (bổ sung, sửa đổi bởi Nghị định 01/2017/NĐ-CP) quy định về thủ tục, trình tự thực hiện tách thửa như sau:
Người sử dụng đất nộp một bộ hồ sơ đề nghị tách thửa tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (Phòng TN&MT) hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của UBND cấp tỉnh. Riêng với cá nhân, hộ gia đình thực hiện tách thửa, có thể nộp hồ sơ tại UBND cấp xã. Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, trong thời hạn 3 ngày, UBND cấp xã sẽ chuyển hồ sơ tới Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất.
Theo đó, những công việc mà Văn phòng Đăng ký đất đai phải thực hiện gồm:
“2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
a) Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
b) Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa;
c) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.”
Theo quy định tại Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT (bổ sung, sửa đổi bởi Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT), hồ sơ tách thửa gồm các giấy tờ sau:
– Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
– Đơn đề nghị tách thửa theo mẫu số 11/ĐK.
Căn cứ theo những quy định nêu trên, bạn cần đáp ứng quy định về điều kiện tách thửa đất. Nếu phù hợp với quy định hiện hành, bạn sẽ được tách thửa 1.000m2 đất thổ cư. Bạn sẽ không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp tự ý tách thửa, chuyển nhượng mà chưa đáp ứng đủ điều kiện chuyển nhượng.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
(Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An)
Theo Cafeland