Cũng giống như nhiều cơ quan khác trong cơ thể, sức khỏe của gan bị ảnh hưởng lớn bởi lối sống.
Sức khỏe của gan bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau. Bên cạnh các yếu tố không thể hoặc rất khó tác động như di truyền, đột biến gen, nhiễm virus, tác động từ bệnh khác (bệnh lao, ung thư di căn…), tác dụng phụ từ hóa trị… thì lối sống chính là nguyên nhân chính dẫn tới bệnh về gan.
Trong đó có 8 thói xấu phổ biến mà chúng ta nên tránh xa, thay đổi càng sớm càng tốt sau đây:
1. Uống nhiều rượu bia
Uống rượu bia nhiều rất hại cho gan. Bởi hơn 90% rượu bia khi vào cơ thể do gan phải chuyển hóa.Lâu ngày sẽ làm giảm khả năng thanh lọc huyết dịch của gan, đồng thời làm tăng độc tố trong cơ thể, dẫn đến tổn thương gan và gây ra rất nhiều bệnh.
Thói xấu này còn dẫn đến trúng độc gan, viêm gan. Uống nhiều rượu trong thời gian dài còn dễ dẫn đến xơ gan. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã xếp ethanol vào một trong những nhóm chất gây bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư gan. Theo các chuyên gia tính toán, nếu mỗi ngày uống rượu nồng độ qua quá 2 ly (25ml) là sẽ làm tổn hại đến gan.
2. Ăn quá mặn
Thói quen ăn mặn có hại cho gan vì lượng muối quá nhiều sẽ cản trở việc đào thải các chất cặn bã dư thừa ra ngoài, về lâu dài sẽ làm giảm khả năng hoạt động của gan.
Ngoài ra, những người có bệnh gan có thể dẫn tới phù nề do bị giữ nước, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu thông qua hệ thống mạch máu. Do đó, cần hạn chế muối trong chế độ ăn uống hàng ngày để bảo vệ gan. Nếu trong giai đoạn này mà người bệnh vẫn ăn mặn thì nguy cơ biến chứng xảy ra rất cao và có thể gây tử vong.
3. Lạm dụng thuốc
Không ít người, nhất là người trẻ tuổi có thói quen sử dụng thuốc bừa bãi, đặc biệt là thuốc giảm đau. Bởi vì thuốc giảm đau, thuốc cảm phần lớn có thể dễ dàng mua ở bất kỳ hiệu thuốc nào, không cần sự kê đơn của bác sĩ. Nhưng người sử dụng lại không hề biết đến những tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc, bao gồm cả bệnh gan và bệnh thận.
Cũng có nhiều người cho rằng các loại vitamin và thuốc bổ có thể dùng thoải mái, đây là quan niệm sai lầm. Việc lạm dụng thuốc kể cả thuốc bổ cũng làm hại và gây tổn thương gan. Bởi một trong những vai trò của gan là phân huỷ các chất mà cơ thể tiêu thụ, kể cả thuốc uống, thuốc bổ và thảo mộc. Thuốc ứ đọng ở gan gây ngộ độc gan, từ đó làm tổn thương hệ thống khử độc, giảm khả nǎng thải độc ở gan và phá hủy tế bào gan.
4. Thức khuya hoặc dậy quá sớm
Từ 23h – 1h mỗi ngày là thời điểm gan bắt đầu lọc và đào thải các độc tố trong cơ thể. Từ 1h – 3h, bạn cần ngủ sâu để gan có thể thanh lọc cơ thể tốt nhất. Từ 3h – 5h, gan sẽ hoàn thành quá trình thanh lọc và nghỉ ngơi. Còn 5h – 7h là thời điểm vàng để thức dậy và vệ sinh cá nhân để cơ thể đào thải độc tố ra ngoài.
Thức khuya còn khiến cơ thể tiết adrenalin nhiều hơn so với người bình thường, dẫn tới gia tăng gánh nặng cho gan và thận. Do đó, thức quá khuya hay dậy quá muộn đều ảnh hưởng xấu đến quá hoạt động và nghỉ ngơi của gan. Lâu ngày sẽ khiến gan không chịu nổi gánh nặng, suy giảm chức năng, dễ phát bệnh. Thói xấu này làm hệ miễn dịch suy yếu, giảm khả năng tự sửa chữa phục hồi của gan yếu đi, khiến gan dễ bị mầm bệnh, virus tấn công hơn.
5. Uống quá nhiều nước ngọt có ga
Việc sử dụng quá nhiều nước ngọt có ga sẽ gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe, đặc biệt đối với người bị men gan cao, dễ gây tổn thương gan. Đặc biệt là đối với những người vốn bị men gan cao, mắc bệnh về gan.
Bởi vì đồ uống có ga khiến gan phải làm việc vất vả hơn khi đang bị bệnh, khiến tình trạng tăng men gan càng nặng hơn. Đây là những loại đồ uống có thể chứa nhiều chất kích thích, có thể chứa ethanol gây ra hủy hoại các tế bào gan khiến cho lượng men gan tăng cao. Đối với những bệnh nhân mắc các bệnh về gan, nếu thường xuyên sử dụng đồ uống này có thể gây ra béo phì và đẩy nhanh quá trình ung thư gan.
6. Chế độ ăn giàu chất béo
Chế độ ăn giàu chất béo có thể ảnh hưởng đến lá gan của bạn. Nhất là đối với chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Chúng có nhiều trong đồ ăn nhanh, dầu mỡ dùng để nấu ăn, thức ăn nhanh, các loại thịt nhiều mỡ, thực phẩm chế biến sẵn.
Chế độ ăn giàu chất béo có thể tạo ra một loại quá tải, nơi chất béo dư thừa có thể được tích tụ vào gan hơn là được lọc ra. Từ đó là suy giảm chức năng gan, gây gan nhiễm mỡ và tăng nguy cơ ung thư gan.
7. Tâm trạng tiêu cực
Tâm trạng ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của gan, đặc biệt là khi căng thẳng hay tức giận quá mức. Bởi cơ thể sẽ sản sinh ra chất “catecholamine”, cùng với ảnh hưởng từ hệ thần kinh trung ương, làm tăng đường huyết và axit béo, độc tố gây hại cho gan, huyết dịch cũng không ngừng được tăng lên.
Hơn nữa, khi bị áp lực quá độ, stress, thất vọng, chán nản cũng dễ dẫn tới các rối loạn giấc ngủ, rối loạn chuyển hóa. Điều này ảnh hưởng xấu đến hoạt động và sự nghỉ ngơi theo đồng hồ sinh học của gan. Đồng thời gây ra sự thiếu hụt máu ở gan, ảnh hưởng đến sự nuôi dưỡng tế bào gan làm gan không thể duy trì các hoạt động bình thường.
8. Ăn quá nhiều đường
Ăn quá nhiều đường có thể gây hại cho gan. Gan sử dụng đường fructose để tạo ra chất béo. Quá nhiều đường gây ra sự tích tụ chất béo có thể dẫn đến bệnh gan. Một số nghiên cứu cho thấy đường có thể gây hại cho gan như rượu, ngay cả ở người không thừa cân.
Bên cạnh đó, ăn nhiều đường, thích đồ ngọt còn gây bệnh tiểu đường. Tiểu đường làm tăng 50% nguy cơ bệnh gan. Những người bị tiểu đường do kháng insulin có hàm lượng insulin cao trong máu, gây tăng cân vùng bụng. Điều này khiến gan tích tụ mỡ bên trong gây nên bệnh gan nhiễm mỡ.