GiadinhNet – Khoa học cho biết, ăn quá nhiều trứng sẽ gây tình trạng tăng cholesterol trong máu, xơ vữa động mạch. Đây là một tác dụng phụ chính của việc ăn trứng sai cách.
Ăn bí đỏ cần tránh 5 điều này để không gây hại sức khỏe
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trứng được xếp vào nhóm “siêu thực phẩm” bởi có hàm lượng dinh dưỡng đặc biệt cao.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, một trong những phản ứng trước mắt của việc ăn quá nhiều trứng trong 1 bữa ăn là cảm giác khó tiêu, đầy bụng, đầy hơi và là nguyên nhân kéo theo nhiều bệnh lý khác.
Cần dựa trên nhu cầu của mỗi nhóm tuổi để có cách ăn trứng phù hợp
Thành phần trong trứng có chứa nguồn chất béo rất quý là lecithin giúp giảm cholesterol trong cơ thể con người. Tuy nhiên, một quả trứng có thể cung cấp đến 200mg cholesterol, cao hơn một nửa so với lượng khuyến nghị. Nên nếu ăn quá nhiều gây tình trạng tăng cholesterol trong máu, xơ vữa động mạch…
Khoa học cho biết đây là một tác dụng phụ chính của việc ăn trứng mỗi ngày. Từ việc cholesterol tăng cao sẽ kéo theo hàng loạt những hệ lụy về sức khỏe khác.
Các chuyên gia khuyến cáo, để có thể tính toán lượng trứng phù hợp với cơ thể cần dựa trên nhu cầu của mỗi nhóm tuổi. Cụ thể, người trưởng thành có thể ăn 3-4 quả/tuần, trẻ em 6-7 tháng tuổi nên ăn nửa lòng đỏ/bữa, trẻ 8-12 tháng tuổi là một lòng đỏ/bữa, trẻ 1-2 tuổi có thể ăn cả lòng đỏ và lòng trắng nhưng tối đa 4 quả/tuần, trẻ trên 2 tuổi được ăn tối đa 6 quả/tuần.
Đặc biệt, những người bị tăng huyết áp hoặc nồng độ cholesterol trong máu cao hoàn toàn có thể ăn trứng. Tuy nhiên, nhóm người này chỉ nên ăn 1-2 quả/tuần.
Nhóm người được khuyến cáo nên hạn chế ăn trứng
Người đang sốt
Tuyệt đối không ăn trứng khi đang sốt. Ảnh minh họa
Ăn trứng khi đang sốt sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn vì trứng sẽ làm nhiệt lượng tăng thêm và không thể phát ra ngoài được. Vì vậy người bị sốt không nên ăn trứng, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Người bị tiêu chảy
Trứng là thực phẩm giàu đạm và chất béo. Do đó, người đang mắc bệnh về đường tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, bệnh tiêu chảy không nên ăn. Ăn trứng lúc này có thể khiến tình trạng bệnh thêm nặng.
Người mắc bệnh sỏi mật
Trứng gà chứa hàm lượng đạm rất cao. Trong khi đó, do sự kích thích của các viên sỏi mật trong túi mật, chức năng co bóp của túi mật sẽ yếu dần. Người bị bệnh sỏi mật ăn trứng gà và các thực phẩm giàu đạm khác sẽ khiến túi mật đã bị bệnh lại phải chịu gánh nặng lớn, từ đó có thể gây ra đau đớn, nôn mửa.
Người mắc bệnh gan
Hàm lượng mỡ và cholesterol trong trứng vịt và lòng đỏ trứng gà rất cao. Các chất này đều cần trải qua quá trình trao đổi chất tại gan. Việc tiêu thụ những thực phẩm này khiến làm tăng gánh nặng cho gan, không có lợi cho việc hồi phục gan.
Người mắc bệnh tim mạch
Hàm lượng cholesterol cao trong trứng gà cũng không tốt cho người bị bệnh xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành. Nguyên nhân là do cholesterol sẽ làm thu hẹp, tắc nghẽn động mạch vành.
Người mắc bệnh tiểu đường
Trứng chứa nhiều chất béo omega-3, cung cấp nhiều protein, vitamin và khoáng chất cho cơ thể nhưng chúng cũng giàu cholesterol và chất béo bão hòa. Đây có thể là những thủ phạm gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2. Các chuyên gia khuyến cáo, những người có bệnh tiểu đường nên hạn chế ăn trứng.
M.H (th)