GiadinhNet – Ca sĩ Lou Hoàng mới đây chia sẻ trên dòng trạng thái khi bị bệnh liệt dây thần kinh số 7 gây liệt mặt. Theo chuyên gia, thời tiết chuyển lạnh khi vào thu rất dễ bị và đối tượng nguy cơ cao dưới đây càng phải cẩn thận.
Nước dừa tốt cho sức khỏe, nhưng uống nước dừa sau tiêm vaccine phòng COVID-19 cách này lại có hại
Bệnh dễ để lại di chứng
Ca sĩ Lou Hoàng mới đây đã chia sẻ trên dòng trạng thái cảm thán rằng “Sau tất cả những gì cố gắng đây là thứ mình đáng phải nhận ư? cùng với đó là thông tin về bệnh liệt dây thần kinh số 7 gây liệt nửa mặt. Thông tin chia sẻ này đã khiến nhiều đồng nghiệp, người hâm mộ không khỏi lo lắng cho sức khỏe của nam ca sĩ.
Ca sĩ Lou Hoàng chia sẻ thông tin bệnh liệt dây thần kinh số 7 gây liệt mặt
PGS.TS Hà Hoàng Kiệm – nguyên bác sĩ Bệnh viện 103 cho biết, liệt dây thần kinh số 7 là căn bệnh rất phổ biến. Nguyên nhân dẫn tới liệt dây thần kinh 7 có rất nhiều như chấn thương, đột quỵ, nhiễm lạnh đột ngột… Thời tiết chuyển lạnh khi vào thu, gió lạnh, nhất là mùa đông nhiệt độ giảm sâu càng dễ gặp phải căn bệnh này.
Mặc dù liệt dây thần kinh số 7 không nguy hiểm đến tính mạng nhưng cần điều trị sớm, nếu không dễ dể lại di chứng về thẩm mỹ khi không cải thiện được tình trạng méo mặt, biến chứng loét giác mạc… Ở trường hợp nhẹ, người bệnh có thể hồi phục trong khoảng 3 – 6 tuần hoặc nhanh hơn.
Ở mỗi đối tượng, mức độ và thời gian điều trị mà tổn thương dây thần kinh số 7 có thể gây ra các di chứng khác nhau. Nếu càng để lâu biến chứng càng nặng nề. Biến chứng của bệnh có thể gây liệt nửa mặt trung ương, liệt nửa mặt ngoại vi. Liệt dây 7 trung ương thường đi kèm liệt nửa người cùng bên. Còn liệt nửa mặt ngoại vi thường thấy hai bên mặt không cân đối, các cơ mặt cùng nhân trung bị kéo lệch về bên lành.
Theo ThS.BS Hoàng Thị Thúy (BVĐK Medlatec), dây thần kinh số 7 là dây vận động, có chức năng chi phối vận động cơ mặt. Liệt dây thần kinh số 7 là tình trạng tổn thương dây thần kinh mặt dẫn tới các cơ của nửa mặt mất vận động hoàn toàn hoặc một phần. Bệnh gặp ở mọi đối tượng và lứa tuổi nhưng những người bị suy giảm hệ miễn dịch; người lười vận động, thường xuyên thức khuya, căng thẳng hay những trường hợp đi sớm về khuya dễ bị nhiễm lạnh… có nguy cơ cao.
Điều trị sớm hiệu quả cao
Theo ThS.BS Hoàng Thị Thúy, để điều trị liệt dây thần kinh 7, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp theo mức độ bệnh. Bệnh phát hiện sớm, còn nhẹ thì điều trị không phức tạp. Phương pháp điều trị phổ biến là massage kết hợp với châm cứu có thể khỏi chỉ sau khoảng 3 tuần, cơ hội điều trị cao. Nhiều trường hợp, bác sĩ có thể kết hợp nội khoa hoặc ngoại khoa hay cũng có thể kết hợp cả hai để nâng cao kết quả điều trị.
Cụ thể, với bệnh nhân liệt dây thần kinh số VII ngoại biên thường được dùng các thuốc thần kinh hỗ trợ. Cùng với đó, bệnh nhân có thể được dùng thêm thuốc chống virus với trường hợp có bệnh cảnh nhiễm virus. Việc dùng thuốc kết hợp với các phương pháp y học cổ truyền như châm cứu, ôn châm, điện châm, thủy châm, chiếu tia hồng ngoại… sẽ cho kết quả rất khả quan trong điều trị liệt dây thần kinh 7.
Châm cứu điều trị liệt dây thần kinh số 7 hiệu quả. Ảnh TL
Các chuyên gia khuyến cáo, hiện nay, thời tiết đã chuyển sang thu nên mọi người cần cẩn thận phòng tránh bệnh, cần chú ý tập thể dục thường xuyên, có chế độ ăn khoa học để nâng cao sức đề kháng và tránh để nhiễm lạnh đột ngột. Lưu ý khi thức dậy, mọi người nên ngồi lại giường một lúc rồi mới ra ngoài chứ không bật dậy ngay.
Đặc biệt trẻ bị liệt dây thần kinh 7 việc điều trị sẽ càng khó khăn hơn. Do đó, mọi người càng cần chú ý giữ gìn cho trẻ khi trời chuyển mùa, gió lạnh. Khi trẻ đang ở trong nhà ấm mà phải ra ngoài môi trường lạnh phải khoác thêm áo ấm để trẻ tránh bị lạnh đột ngột. Mặt khác, đi ra ngoài trong những ngày lạnh cần giữ ấm cho trẻ các bộ phận tai, đầu, cổ, chân… và tránh để trẻ tắm quá muộn.
Khi thấy nghi ngờ bị liệt dây thần kinh 7 với các biểu hiện như mắt không thể nhắm kín một bên, mặt bị xệ, miệng bị méo, lệch hẳn sang bên… mọi người cần đến viện kiểm tra sớm. Để chẩn đoán liệt dây thần kinh, ngoài dựa trên dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ phân tích các nhóm cơ mặt của người bệnh để xác định chính xác vị trí tổn thương. Trong một số trường hợp cần thiết có thể chụp cộng hưởng từ để xác định xem tổn thương đó ở vùng ngoại biên hay tại trung ương. Trên cơ sở đó, bác sĩ đưa ra hướng điều trị thích hợp nhất với tình trạng bệnh.
Phương Thuận
Phụ nữ mang thai bị liệt dây thần kinh số 7 có ảnh hưởng đến thai nhi?