Loại thực phẩm này rất giàu DHA, EPA vốn được mệnh danh là “dưỡng chất vàng cho não bộ” được khuyến khích nên có trong khẩu phần ăn của trẻ em.
Theo TS. BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện y học ứng dụng Việt Nam: 3 năm đầu đời là giai đoạn trẻ phát triển vượt bậc về thể chất lẫn não bộ.
Vì thế, lúc này cha mẹ cần gia tăng chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của con.
Trong đó, thực phẩm bổ dưỡng bậc nhất vẫn hay được khuyến khích nên có trong khẩu phần ăn của bé chính là cá hồi.
Bởi mỡ cá hồi có hàm lượng omega 3, 6, 9 dồi dào. DHA, EPA vốn được mệnh danh là “dưỡng chất vàng cho não bộ” cũng rất phong phú trong cá hồi.
TS. Sơn cho biết: Cứ 100gr cá hồi nấu chín thì có tới 500 đến 1.500mg DHA và 300 đến 1.000mg EPA.
Những chất này thuộc nhóm axit béo Omega 3 rất cần thiết cho quá trình sinh trưởng của tế bào thần kinh.
Nó cũng ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng truyền và nhận tín hiệu của não bộ, giúp cải thiện khả năng học hỏi và tập trung, khiến trẻ bớt cáu kỉnh, nóng giận.
Bên cạnh đó, theo TS. Sơn thì 3 năm đầu đời, DHA không chỉ chiếm 20% não bộ mà còn chiếm 93% trong tổng số các axit béo tại tế bào võng mạc.
Vì thế, bổ sung DHA còn là cách giúp cải thiện sức khỏe của đôi mắt, ngăn chặn vấn đề thị lực như thoái hóa điểm vàng. Đây cũng chính là nguyên nhân gây nên hiện tượng mù lòa.
Nhiều nghiên cứu khác cũng chứng minh rằng: Cá hồi là nguồn cung cấp axit béo omega 3 dồi dào. Nó có khả năng làm giảm viêm, cải thiện hệ tiêu hóa non nớt của trẻ.
Ngoài ra, vitamin B cùng các vi chất như sắt, canxi, magie, kẽm, kali, photpho, selen trong cá hồi còn giúp tăng năng lượng, cải thiện khả năng chuyển hóa của tuyến giáp, tăng cường khả năng miễn dịch của bé.
Cá hồi tốt như vậy, mỗi ngày nên cho trẻ ăn bao nhiêu ?
TS. Sơn khuyến cáo: Cá hồi mặc dù là thực phẩm bổ dưỡng nhưng các mẹ không nên cho bé ăn mỗi ngày mà nên cho con ăn đan xen. Liều lượng cụ thể như sau:
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ thì không cần cung cấp thêm chất béo từ dầu cá hồi hay bất cứ nguồn nào khác. Do sữa mẹ đã có đủ lượng chất béo cần thiết.
Tuy nhiên, nếu bạn nuôi con không bằng sữa mẹ thì cần 40 – 60% chất béo trong tổng năng lượng cho trẻ mỗi ngày.
Với trẻ từ 6 tháng tuổi đến 2 tuổi: Tỷ lệ chất béo cần đạt là 30 – 40%. Trong đó 70% chất béo là từ động vật như cá hồi và 30% là từ thực vật.
Đặc biệt, các mẹ không nên cho bé tập ăn cá hồi sống, tái. Bởi nó không chỉ không bổ hơn cá nấu chín mà còn tiềm ẩn nguy cơ chứa giun sán, nhiễm khuẩn… khiến bé dễ bị nhiễm bệnh.
Trường hợp mẹ dùng dầu cá hồi cho con thì các mẹ nên sử dụng khoảng 5ml (tương đương với 1 muỗng cà phê) trộn trực tiếp vào cháo, bột của trẻ khi còn nóng.
Mỗi ngày dùng 2 lần, tương đương với 10ml/ngày. Cách này đang được rất nhiều mẹ áp dụng.
Một số phản ứng khi xảy ra dị ứng cá hồi
Khi cho trẻ ăn loại thực phẩm này, bạn nên cho trẻ ăn với số lượng ít, rồi dần dần tăng lên cho phù hợp.
Mục đích của việc này là giúp bố mẹ có thể theo dõi được khả năng tiêu thụ chất của trẻ cũng như kịp thời xử lý các tình huống trẻ bị kích ứng sau khi ăn cá hồi.
Khi trẻ có biểu hiện tổn thương ở da như nổi mề đay hoặc đỏ bừng mặt, phù mạch và tình trạng nặng của dị ứng với cá hồi.
Một số trường hợp gây ra các triệu chứng tiêu hóa như nôn, đau quặn bụng và tiêu chảy dễ nhầm với tình trạng rối loạn tiêu hóa hay nhiễm độc thức ăn.
Nguy hiểm nhất là một số trường hợp, dị ứng có thể ảnh hưởng tới đường hô hấp gây khó thở. Các biểu hiện về hô hấp thường nặng hơn như viêm mũi dị ứng, viêm phế quản dạng hen và phù nề thanh quản gây khó thở nhiều khi rất dữ dội.
Theo Báo Giao thông