Nếu bạn rơi vào tình huống như người này, bạn sẽ giải quyết như thế nào?
Việc đi thuê nhà hay cho thuê nhà đôi khi dẫn đến rất nhiều tình huống trớ trêu, khiến người trong cuộc bối rối. Bởi lẽ trên thực tế, rất nhiều cá nhân hay gia đình đi thuê nhà, song lại không có ý thức giữ gìn cho ngôi nhà hay các vật dụng trong nhà được sạch sẽ, thậm chí còn làm hỏng các vật dụng.
Câu chuyện sau đây, được chia sẻ trên nhóm Facebook Nghiện Sạch, sở hữu hơn 400.000 thành viên là một ví dụ. Tuy không để lại hậu quả quá nghiêm trọng song nó cũng khiến gia chủ hay những vị khách thuê nhà sau đó phải bối rối và loay hoay tìm phương án xử lý.
Theo chia sẻ của tài khoản người dùng tên Nguyễn K.L., khi cô nhận nhà từ khách thuê trước, phát hiện trên bếp từ có 1 vùng bếp bị vết bẩn dày bám lại. “Có thể do gia đình hay nấu ăn ở vùng này”, cô gái nói thêm. Bên dưới dòng trạng thái là hình ảnh đi kèm của chiếc bếp từ. Cô gái hiện đang muốn tìm cách để giải quyết, vệ sinh chiếc bếp từ.
Theo lời khuyên của những người đã có kinh nghiệm, ở trường hợp trên với bếp từ, cách phổ biến nhất và có thể xử lý triệt để được vấn đề có là sử dụng các dung dịch lau bếp chuyên dụng. Chúng giúp đem lại hiệu quả tốt, tiết kiệm thời gian và công sức cho gia chủ. Thêm vào đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, gia chủ cũng có tận dụng một số nguyên liệu có sẵn tại nhà để làm sạch bề mặt bếp từ. Có thể kể tới như giấm, baking soda, kem đánh răng hoặc nước rửa bát.
Cách thực hiện rất đơn giản, đó là cho trực tiếp các loại chất tẩy rửa, làm sạch lên bề mặt cần làm sạch trên bếp. Tùy vào tính chất của chất bẩn mà có thể ngâm, ủ trong khoảng thời gian 10 – 15 phút, thậm chí lâu hơn. Nếu sử dụng các dung dịch tẩy rửa chuyên dụng, thời gian ngâm có thể không cần quá lâu, chỉ từ 3-5 phút.
Sau đó, người dùng sử dụng khăn mềm, sạch và tiến hành lau nhẹ nhàng bề mặt. Lưu ý khi vệ sinh, dù vết bẩn có bám chặt, cứng đầu, thì người dùng cũng không nên tác động lực quá mạnh bởi việc này có thể khiến mặt bếp bị ảnh hưởng, thậm chí nứt vỡ. Cũng có thể sử dụng bàn chải để thay thế cho các loại khăn vải.
Sau những bước xử lý trên, nếu những vết bẩn vẫn không thể được làm sạch, rất có thể người dùng phải dùng đến các loại dao cạo, vệ sinh bếp chuyên nghiệp.
Nguyên nhân khiến mặt bếp từ bị bẩn, cháy
Tình huống mặt bếp từ hay bếp hồng ngoại xuất hiện vết bẩn hay vết cháy lâu ngày như trường hợp kể trên, trên thực tế không phải là hiếm. Theo giải thích từ các đơn vị sản xuất và phân phối các loại bếp, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.
Đầu tiên là do trong suốt quá trình sử dụng, các loại thức ăn hay nguyên liệu có thể rơi ra mặt bếp khi bếp đang được bật ở mức nhiệt cao. Từ đó vô tình để lại vết cháy trên bề mặt bếp. Cũng có thể do khi nấu những món chiên xào, dầu mỡ thường bắn ra ngoài và tiếp xúc với bếp mặt bếp. Sau khi kết thúc quá trình nấu nướng, gia chủ cũng không vệ sinh khu vực bếp ngay. Lâu ngày, những vết dầu mỡ này sẽ trở nên cứng hơn, bám chặt trên bề mặt bếp, gây khó khăn trong việc vệ sinh.
Bởi vậy, theo lời khuyên từ các chuyên gia, các gia đình nên tiến hành vệ sinh bề mặt bếp từ, bếp hồng ngoại thường xuyên. Tốt nhất, sau hoàn thành công việc nấu nướng, hãy để khoảng 15-20 phút cho mặt bếp nguội rồi dùng dung dịch làm sạch chuyên dụng và khăn mềm, lau nhẹ nhàng mặt bếp. Các vết bẩn khi được xử lý ngay sẽ không có cơ hội bám lại trên mặt bếp, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động cũng như thẩm mỹ của thiết bị.
Một số lưu ý khác khi sử dụng bếp từ được hiệu quả, lâu bền
Bên cạnh vấn đề vệ sinh, dưới đây là một số lời khuyên khác với các gia đình sử dụng bếp từ hay bếp hồng ngoại để thiết bị luôn hoạt động hiệu quả và có tuổi thọ lâu bền.
1. Sử dụng nồi và chảo phù hợp
Điều đầu tiên đó là hãy sử dụng nồi và chảo phù hợp với các loại bếp từ, bếp hồng ngoại. Phương án tốt nhất là lựa chọn các loại nồi, chảo có đáy phẳng, có kích thước phù hợp, vừa vặn với các vùng bếp.
Để chắc chắn loại nồi, chảo gia đình lựa chọn phù hợp với bếp từ, hãy kiểm tra xem chúng có ký hiệu cuộn dây điện trở như hình ảnh dưới đây, ở dưới đáy nồi hay không. Nếu có, tức là loại nồi, chảo đó hoàn toàn phù hợp để sử dụng với bếp từ.
2. Luôn đặt nồi, chảo chính giữa vùng bếp nấu
Điều thứ 2, cũng là sai lầm nhiều người dùng đang mắc phải. Đó là khi sử dụng bếp từ, bếp hồng ngoại, hãy đặt các loại nồi, chảo chính giữa vùng bếp nấu, thay vì đặt lệch. Việc đặt chính giữa vùng nấu sẽ giúp đảm bảo sự cân bằng và trao đổi nhiệt từ bếp sang nồi, chảo nấu thực phẩm một cách tốt nhất.
3. Không sử dụng trong thời gian dài, hãy ngắt nguồn điện khỏi bếp
Một công việc vừa giúp đảm bảo tuổi thọ của bếp từ, bếp hồng ngoại, ngăn chặn các nguy cơ chập cháy không đáng có, mà còn giúp bảo vệ sự an toàn của ngôi nhà cũng như chính gia chủ, chính là ngắt nguồn điện khỏi bếp khi không sử dụng trong thời gian dài.
Thời gian dài ở đây có thể tính theo tiếng như khoảng cách từ bữa trưa đến bữa tối; thời gian qua đêm; hay thời gian gia đình không có người/người trưởng thành ở nhà trong khoảng vài ngày. Bếp từ và bếp hồng ngoại hoạt động dựa trên việc thao tác các nút bấm điện tử trên bề mặt bếp. Các nút bấm này có độ nhạy cao, bởi vậy không cần là bàn tay còn người mà chỉ cần bất cứ thứ gì chạm nhẹ qua như chân động vật, cũng có thể khiến bếp khởi động. Nếu cùng lúc, gia chủ đang đặt một vật dụng hay nồi, chảo lên bếp, nguy cơ xảy ra chập cháy nguy hiểm là rất lớn.
Bởi vậy, việc ngắt nguồn điện khỏi bếp từ, bếp hồng ngoại là cần thiết. Có thể thực hiện bằng cách rút điện hoặc trang bị thêm aptomat cho thiết bị và tắt aptomat.
Theo Thu Phương (Nguoiduatin.vn)