Đa số các bệnh về vú có liên quan đến thói quen sinh hoạt và tiêu thụ thực phẩm không khoa học. Nếu bạn có 1 trong 4 thói quen dưới đây, hãy thay đổi càng sớm càng tốt.
Tuyến vú là một tuyến phụ của da, theo thời gian các hoạt động của tuyến vú chịu ảnh hưởng bởi sự thay đổi của tuổi tác. Khi phụ nữ đến tuổi dậy thì, các tuyến vú được kích thích bởi dây thần kinh và nội tiết tố nên phát triển nhanh chóng. Bước vào giai đoạn cho con bú, prolactin sẽ kích thích tuyến vú để thực hiện vai trò nuôi con bằng sữa mẹ. Ngoài chức năng này, tuyến vú còn đóng vai trò thiết yếu trong duy trì đời sống tình dục ở nữ giới.
Hiện nay, số lượng chị em mắc các bệnh về vú ngày càng tăng cao, đặc biệt là một số bệnh như là xơ nang tuyến vú, ung thư vú, áp xe vú, ngực chảy xệ… Đa số các bệnh về vú có liên quan đến thói quen sinh hoạt và tiêu thụ thực phẩm không khoa học. Nếu bạn có 1 trong 4 thói quen dưới đây, hãy thay đổi càng sớm càng tốt.
Những thói quen khiến ngực chảy xệ, dễ mắc bệnh
1. Lạm dụng thực phẩm hoặc thuốc kích thích nội tiết tố
Nguyên nhân hình thành các vấn đề về vú thường liên quan đến sự mất cân bằng nội tiết tố ở nữ. Nếu phụ nữ tiêu thụ quá nhiều thực phẩm bổ sung hoặc thuốc kích thích hormone sẽ gây hại cho sức khỏe “vòng một”. Sau khi đi vào cơ thể, chúng sẽ gây bất thường cho hàm lượng estrogen, dẫn đến bầu ngực bị chảy xệ hoặc sản sinh nhiều bệnh lý.
Các thực phẩm bổ sung như gelatin, sữa ong chúa chứa nhiều nội tiết tố có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe “vòng một”. Ngoài ra, mọi người cần hạn chế dùng các loại thuốc giảm cân, thuốc làm trắng da, thuốc nở ngực vì cũng chứa nhiều chất gây hại, dùng trong thời gian dài sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh về vú.
2. Thường xuyên căng thẳng
Phì đại tuyến vú có thể được hình thành bởi trạng thái căng thẳng kéo dài. Nếu phụ nữ stress, lo âu, cơ thể dễ bị rối loạn nội tiết, dẫn đến ảnh hưởng số lượng hormone. Lúc này, các tế bào vú sẽ bị kích thích, sưng lên và hình thành các bệnh mãn tính. Ngoài ra, trạng thái trì trệ về tinh thần cũng ảnh hưởng đến hoạt động của gan và thận, đây là nguyên nhân khởi phát các bệnh về vú như u xơ vú hay phì đại tuyến vú. Người thường xuyên căng thẳng, lo âu, mệt mỏi có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn người bình thường.
3. Không quan tâm đến cân nặng
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phụ nữ được coi là thừa cân hoặc béo phì nếu chỉ số BMI của cơ thể lớn hơn 23. Phụ nữ thừa cân có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn người bình thường, đặc biệt ở giai đoạn mãn kinh.
Nguyên nhân là do nếu phụ nữ thừa cân, hàm lượng chất béo trong cơ thể sẽ rất cao, từ đó thúc đẩy estrogen tăng cao quá mức. Khi hàm lượng estrogen trong cơ thể tăng lên nhiều đồng nghĩa với việc nguy cơ mắc ung thư vú cũng tăng.
Theo bác sĩ Marisa Weiss (Trưởng phòng y tế tại Breast Cancer): Giảm cân là công việc không hề đơn giản. Tuy nhiên, bạn cần phải duy trì cân nặng ở mức an toàn để không gây hại cho sức khỏe. Chế độ ăn uống và luyện tập đều là phần quan trọng trong giảm cân. Thực tế muốn giảm cân thành công phụ thuộc 80% vào chế độ ăn uống và chỉ có 20% liên quan đến luyện tập.
4. Thức khuya
Nếu phụ nữ thường xuyên thức khuya, thiếu ngủ không những gây rối loạn nội tiết mà còn khiến ngực bị chảy xệ, tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Ngoài ra, ăn quá nhiều đồ cay, sử dụng chất kích thích, ăn đồ nhiều dầu mỡ sẽ gây rối loạn hormone và tăng nguy cơ mắc các bệnh về vú. Phụ nữ mặc áo lót chật sẽ ảnh hưởng đến tiến trình lưu thông máu trong cơ thể, gây hại sức khỏe tuyến vú và sản sinh các bệnh khác.
Trong cuộc sống hàng ngày, để phòng ngừa các bệnh về vú và tránh khiến vú chảy xệ, mọi người cần có kế hoạch nghỉ ngơi và làm việc khoa học. Tránh dùng thuốc lá, rượu bia, mỹ phẩm chứa các lớp hormone, đồng thời duy trì việc đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường của cơ thể.
Tiểu Vy